Em Nguyễn Hùng Mẫn được mẹ dẫn đến đăng ký theo học nghề tại Trường cao đẳng Quốc tế TP.HCM ngay từ đầu tháng 4-2024 - Ảnh: NVCC
Phan Đình Huy Thiện - học sinh lớp 9 Trường THCS Đông Thạnh, Hóc Môn, TP.HCM - vừa đăng ký học nghề nghiệp vụ chế biến món ăn tại Trường cao đẳng Viễn Đông theo lộ trình 9+, vừa học chương trình 7 môn văn hóa để thi THPT vừa học nghề.
Nhìn vào bảng điểm THCS của Huy Thiện, nhiều chuyên viên tư vấn tuyển sinh của Trường cao đẳng Viễn Đông không khỏi ngạc nhiên khi thấy điểm số quá tốt, trung bình cả năm lớp 9 môn toán, ngữ văn và tiếng Anh lần lượt là 8,9 - 8,5 - 8,6 điểm.
Chị Nguyễn Nhược Tố Thư, mẹ của Huy Thiện, cho biết lúc nghe con chọn đi hướng này, nhiều người xuýt xoa tiếc rẻ: "Sao không đi học tiếp cấp III trường công, uổng quá vậy?".
Chị Thư nói gia đình đã tìm hiểu kỹ, hướng đi nào phù hợp nhất và con cũng yêu thích thì cho theo. Gia đình thấy đi học nghề từ lớp 9 khá tiết kiệm thời gian, vì trong 3 năm sẽ hoàn thành chương trình trung cấp đồng thời có thể thi tốt nghiệp THPT, học thêm 1 năm nữa có thể có bằng cao đẳng.
"Lúc đó, con có rất nhiều hướng lựa chọn, có thể ra làm nghề hoặc học tiếp lên đại học" - chị Thư nói.
Còn chị Hà Thị Kim Ngân, phụ huynh của em Phan Trọng Nhân, học sinh lớp 9 Trường THCS Huỳnh Văn Nghệ (quận Gò Vấp), cũng đã chốt cho con nghề công nghệ thông tin theo hướng kết hợp học nghề và học văn hóa tại trường cao đẳng. Chị chia sẻ định hướng này xuất phát từ kinh nghiệm của chị khi bản thân chị trước đây đã học nghề sau lớp 9, sau đó liên thông lên cao đẳng.
"Giờ đây nhiều bạn bè đồng trang lứa của tôi đều có công việc ổn định, thu nhập tốt. Chưa kể hiện tôi thấy nhiều công ty không còn phân biệt bằng cấp mà đánh giá lao động dựa vào năng lực thực tế" - chị Ngân nói.
Chị Trần Thị Kim Loan đưa con là Nguyễn Hùng Mẫn, học sinh Trường THCS Nguyễn Du (quận Gò Vấp), đến đăng ký học hệ 9+ tại Trường cao đẳng Quốc tế TP.HCM ngay từ đầu tháng 4-2024, nghĩa là lúc Mẫn còn chưa thi học kỳ 2 lớp 9 năm nay.
Chị Loan nói từ đầu năm lớp 9 gia đình đã quyết định chọn hướng học 9+ cho con vì có nhiều cơ hội, vừa có nghề, vừa có bằng tốt nghiệp THPT, vừa có thể học lên đại học nếu muốn. Chưa kể học sinh lớp 9 học nghề đang được Nhà nước cấp bù học phí.
Vì có học lực giỏi và yêu thích máy tính từ nhỏ nên Hùng Mẫn chọn học nghề quản trị mạng máy tính. "Mình muốn ra trường sớm có nghề ổn định với mức lương phù hợp để lo cho cuộc sống sau này", Hùng Mẫn tâm sự.
ThS Nguyễn Đăng Lý, hiệu trưởng Trường cao đẳng Quốc tế TP.HCM, lý giải kỳ tuyển sinh lớp 10 tại TP.HCM năm 2024 có một số biến động về số lượng thí sinh và chỉ tiêu tuyển sinh của các trường công lập. Số học sinh lớp 9 tại TP.HCM tăng hơn 5.000 em so với năm 2023, nhưng số chỉ tiêu vào lớp 10 lại giảm đến khoảng 6.200 chỉ tiêu so với năm ngoái.
Theo ông Lý, sự chênh lệch giữa số thí sinh và số chỉ tiêu được nới rộng khiến nhiều phụ huynh và thí sinh dự báo được một mùa tuyển sinh "khốc liệt" ở phía trước, vì vậy nên sớm có phương án khác, phương án dự phòng, trong đó có hướng học 9+.
Ông Lý nhận định việc ngày càng có nhiều học sinh khá giỏi chọn học nghề 9+ phần nhiều là vì phụ huynh ngày càng cởi mở với các hướng đi "phi truyền thống", không nhất định phải học cấp III công lập hay đại học. Thế hệ phụ huynh trẻ quan tâm nhiều hơn đến sự phát triển thực tế của con về học hành, nghề nghiệp, cơ hội việc làm, hơn là muốn con đi học chỉ vì danh tiếng.
Tại Trường cao đẳng Quốc tế TP.HCM đến thời điểm này, ông Lý thông tin khoảng 40% hồ sơ đăng ký xét tuyển sớm hệ 9+ là học sinh khá, giỏi.
ThS Phan Thị Lệ Thu, phó hiệu trưởng Trường cao đẳng Viễn Đông, cho biết dù TP.HCM chỉ mới mở cổng đăng ký thi tuyển sinh lớp 10 công lập từ ngày 3-5 thì đến ngày 8-5, trường có hơn 200 học sinh đăng ký học nghề 9+, chiếm gần 1/3 chỉ tiêu.
Bà Thu cho biết trường khá bất ngờ vì trong giai đoạn đầu tuyển sinh mọi năm, số lượng đăng ký chỉ rải rác. Càng bất ngờ hơn khi 55% hồ sơ có điểm học bạ năm lớp 9 ở mức khá, giỏi.
Chị Nguyễn Thị Thu Hường là phụ huynh của em Nguyễn Thanh Khôi tại Trường THCS Lương Thế Vinh (Q.12). Khôi là học sinh giỏi 4 năm THCS. Sắp tới, Khôi sẽ rẽ hướng không học lớp 10 công lập mà học nghề kỹ thuật ô tô trong một chương trình kết hợp giữa Trường cao đẳng Viễn Đông và doanh nghiệp tại Đức.
Lộ trình học kéo dài 4 năm, trong đó 3 năm tại Việt Nam sẽ được học văn hóa, học nghề và phổ cập tiếng Đức đến trình độ B2. Một năm cuối bạn sẽ được chuyển tiếp vừa học vừa làm có lương cho doanh nghiệp ở Đức, sau đó được đi làm chính thức tại doanh nghiệp này.
Chị Hường phân tích tổng chi phí chị sẽ phải bỏ ra trong 3 năm cho đến khi con sang Đức là khoảng 200 triệu đồng, đã bao gồm các chi phí học nghề, học tiếng Đức, vé máy bay, visa… Chị Hường cho rằng lộ trình du học nghề này khá phù hợp và tiết kiệm nếu so với các lộ trình du học khác.
"Chưa kể các em đã được doanh nghiệp Đức đảm bảo đầu ra. Ở tuổi 18, 19 con sẽ có thể bắt đầu làm việc có lương. Con cũng có nhiều lựa chọn: làm việc tại Đức, học lên cao hay về lại Việt Nam", chị Hường nói.
Hiện nay, học sinh tốt nghiệp THCS học nghề được nhận tiền học phí cấp bù theo quy định của nghị định 81 của Chính phủ. Bên cạnh chính sách của Nhà nước, một số trường nghề có thêm các chính sách học phí để thu hút người học. Chẳng hạn Trường trung cấp Nguyễn Tất Thành giảm 50% học phí cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn khi xác nhận hộ nghèo, giảm thêm 10% học phí nếu có từ 2 anh chị em ruột học tại trường. Tại Trường cao đẳng Đại Việt Sài Gòn, hiệu trưởng Lê Lâm cho biết ngoài việc miễn giảm học phí, nhà trường có triển khai một quỹ cho những học sinh 9+ có thể vay vốn đi học nếu có nhu cầu.
Nguồn: tuoitre.vn